“Xe nhiều công nghệ không có nghĩa xe an toàn”

Một chiếc xe nhiều công nghệ an toàn chủ động là điều tốt, nhưng không đảm bảo rằng nó an toàn hơn xe khác.

Theo 1 bài báo dailyxeford.vn từng xem qua từ vnexpress – Tranh cãi về xe Hàn, xe Nhật và mới đây nhất là bài viết Xe Hàn an toàn hơn xe Nhật, tôi thấy có vẻ chúng ta đang hiểu chưa thực sự đúng về thứ gọi là “an toàn” trên ôtô. Bởi lẽ, một chiếc xe an toàn, theo thời đại hiện nay cần có hai bước: bước đầu tiên là khả năng tránh, hạn chế tai nạn và bước tiếp theo là bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người trên xe nếu đã gặp tai nạn.

Ở bước đầu tiên, tránh tai nạn. Đây chính là lúc những công nghệ an toàn chủ động trên xe làm việc, từ cơ bản như ABS, ESP tới nâng cao như ADAS (phanh chủ động, đánh lái chủ động, các loại cảnh báo…). Nhưng ở ngay bước này, không phải một chiếc xe có 20 công nghệ an toàn chủ động thì có khả năng tránh tai nạn tốt hơn xe có 15 công nghệ. Vì sao? Vì hiệu suất, tính chính xác của mỗi công nghệ trên các xe là khác nhau.

Nếu bạn nào từng chạy nhiều xe có ADAS từ phổ thông tới hạng sang sẽ nhận ra điều này. Cùng là hỗ trợ giữ làn chẳng hạn, xe phổ thông thường sẽ giằng lái, giật lái rất mạnh để kéo xe trở lại làn, và thường chỉ duy trì được tính chính xác trong khoảng 3-4 nhịp, tới nhịp thứ 5 trở đi là không còn chính xác nữa. Trong khi đó, hỗ trợ giữ làn trên xe sang can thiệp vẫn chính xác nhưng nhẹ nhàng, mượt như chính tài xế đang lái và quan trọng là duy trì nhịp độ được dài hơn. Đó chính là giá trị khác nhau giữa cùng một loại công nghệ, nhưng do các hãng khác nhau phát triển, áp dụng trên những xe khác nhau.

Nhưng công nghệ chủ động dù trên xe nào thì cũng chỉ ở mức “hỗ trợ”, tức không giúp chúng ta tránh tai nạn 100%, và khi xảy ra tai nạn rồi, thì công nghệ an toàn bị động mới là thứ cứu sống con người. Đó là gì, đó là hệ thống khung gầm, túi khí, dây an toàn… Những thứ này được thử nghiệm ở nhiều nước trên thế giới với các tiêu chuẩn, bài thử khác nhau, nhưng nổi tiếng nhất, được sử dụng rộng rãi nhất là NCAP với các bài như đâm trực diện, ngang hông, chéo đầu…

Chiếc xe nào có điểm NCAP cao, tức là có khả năng bảo vệ cho người trên xe tốt hơn. NCAP được tổ chức ở nhiều nơi, nên điểm chính xác nhất với chiếc xe mà chúng ta sử dụng, phải là điểm ở NCAP khu vực đó. Nhiều người cho rằng điểm Euro NCAP thì chính xác hơn điểm ASEAN NCAP, nhưng hãy cẩn thận, vì hai chiếc xe test có thể khác nhau.

Thông thường, các hãng đều phân loại thị trường, và từ đó cũng phân loại tính chất khung gầm, dù vẻ ngoài giống hệt nhau, đó là sự khác nhau ở vật liệu, ví như tỷ lệ thép cường lực. Và như chúng ta đều biết, tiêu chuẩn kỹ thuật ở thị trường Âu, Mỹ cao hơn các nước Đông Nam Á, và vì thế thông thường tính chất khung gầm cũng khác nhau. Bởi vậy, chiếc xe được 5 sao ASEAN NCAP, chưa chắc đạt 5 sao Euro NCAP. Vậy nên, xe bán ở Việt Nam, nếu lắp ráp trong nước hoặc nhập khẩu Đông Nam Á, thì ASEAN NCAP là thước đo gần nhất.

Tóm lại, một chiếc xe an toàn, nó phải gồm công nghệ chủ động (hàm lượng, mức độ và hiệu quả hoạt động của chúng), và công nghệ bị động. Khi so sánh hai chiếc xe có an toàn hay không, ngoài việc so sánh catalog, hãy tìm cả kết quả NCAP của các dòng xe để có cái nhìn tổng hợp nhất.

Chúc các bạn chọn được chiếc xe đúng ý, và phải an toàn. Xe xấu hay đẹp, tiện nghi hay “chuồng gà” thì vẫn phải an toàn, vì đó là mục đích cao nhất của việc sử dụng ôtô.

Liên hệ ngay 0907.432.452 – Khang Ford

Hãy chia sẻ nếu bạn thấy hay – Hãy để lại bình luận bên dưới nếu bài viết còn thiếu sót

0907432452